GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH
Bọn hắn có bốn mạng (tính cả con chó), và bọn hắn tiến hành chuyến du
hành sông Thames để đời này với một lý do chính đáng không để đâu cho
hết: để thư giãn. Quả thật, nếu không tính đến sự cứng đầu cứng cổ của
mớ hành lý, sự vô ơn của con thuyền, sự quỷ quyệt của cái ấm trà, sự om
sòm của bầy thiên nga (v.v. và v.v.) thì ái chà, bọn hắn quả đã được thư
giãn thật. Thêm vào đó, bọn hắn còn được biết thế nào là một chuyến du
hành đích thực…
Nhờ đó, độc giả có thể ngấu nghiến từng câu từng chữ những câu chuyện
ly kỳ hấp dẫn mà gã J. ấy đã vui lòng kể lại, có thể xuýt xoa trước
tầng tầng lớp lớp kiến thức văn hóa, lịch sử, địa lý trong tác phẩm, có
thể tấm tắc trước văn phong, có thể cười lăn trước những chi tiết khôn
lường, có thể vỗ đùi đánh đét mà ngưỡng mộ văn tài của tác giả. Và, xin
nhắc độc giả rằng, đây không phải một câu chuyện, đây là bản tường thuật
chân thực không thể bỏ lỡ về một chuyến du hành sông nước “độc nhất vô
nhị”…
Jerome Klapka Jerome sinh năm 1859 ở Walsall, Staffordshire, là con
trai của một chủ tiệm kim khí không mấy thành đạt. Ông lớn lên ở Luân
Đôn và theo học trường Trung học Marelybone. Năm 14 tuổi, ông làm nhân
viên nhà ga xe lửa, sau đó làm giáo viên, diễn viên và nhà báo. Jerome
đã có hai bài xã luận mang đậm tính hài hước trước khi cuốn Ba gã cùng
thuyền của ông được xuất bản năm 1889. Tác phẩm này đã được độc giả đón
nhận hết sức nồng nhiệt và là bước đệm để ông cùng một số người khác
sáng lập ra The Idler – tạp chí hài hước với nhiều bài viết của Bret
Hart, Mark Twain, W.W. Jacobs, …
Năm 1990, Jerome xuất bản cuốn Three man in a bummel (Tạm dịch: Ba gã
dạo chơi), kể tiếp về chuyến đi bộ của ba nhân vật chính đến nước Đức.
Ngoài ra, ông cũng viết một số vở kịch có phong cách gần giống với phong
cách của bạn mình – nhà văn J.M.Barrie, nổi tiếng nhất trong số đó là
The passing of the third floor back (Tạm dịch: Vị khách trọ phía sau
tầng ba) – một câu chuyện luân lý với bối cảnh là một nhà trọ. Năm 1926,
ông viết hồi ký My life and times (Tạm dịch: Cuộc đời tôi).
Trích dẫn :
Ba thương binh – Những bệnh tật của George và Harris – Nạn nhân của
một trăm linh bảy căn bệnh vô phương cứu chữa – Những đơn thuốc cứu mạng
– Cách chữa bệnh gan ở trẻ con – Nhất trí rằng cả bọn đã làm việc quá
sức và cần được nghỉ ngơi – Một tuần bò lê trên biển? – George đề xuất ý
tưởng con sông – Montmorency đệ đơn phản đối – Kiến nghị ban đầu được
thực hiện với tỉ lệ nhất trí ba trên một.
BỌN TÔI CÓ BỐN MẠNG – George, William Samuel Harris, tôi và con
Montmorency. Cả bọn đang ngồi trong phòng tôi, hút thuốc và tán chuyện
về tình trạng tồi tệ của mỗi thằng – dĩ nhiên, ý tôi là tồi tệ trên
phương diện y học.
Cả bọn đều cảm thấy khó ở trong người và lo sốt vó về vấn đề này.
Harris nói thỉnh thoảng hắn gặp phải những cơn choáng váng ghê gớm, và
rằng lúc ấy gần như hắn không biết mình đang làm gì nữa; sau đó đến lượt
George than thở rằng chính hắn cũng có những cơn chóng mặt, và cũng gần
như không biết mình lúc ấy đang làm gì nữa. Còn tôi thì gan có vấn đề.
Tôi biết chính gan của tôi trục trặc, là vì tôi vừa mới đọc một tờ
quảng cáo
thuốc chữa gan, trong ấy liệt kê chi tiết ti tỉ các triệu chứng khác
nhau để một người có thể xác định được khi nào thì gan mình có vấn đề.
Tôi có tất cả các triệu chứng ấy.
Thật là một việc hết sức lạ thường, nhưng tôi chưa bao giờ đọc một tờ
quảng cáo thuốc nào mà không buộc phải đau đớn kết luận rằng tôi đang
mắc phải chính căn bệnh được nhắc đến trong ấy và ở dạng nguy hiểm nhất.
Có vẻ như mọi triệu chứng của các loại bệnh đều y hệt tất cả những gì
tôi đã cảm thấy.
Tôi nhớ có hôm đã đến Bảo tàng Anh để tra cứu cách điều trị cho một
cơn ươn người mà tôi có cảm giác mình đang mắc phải – sốt dị ứng phấn
hoa, tôi cho là thế. Tôi tìm ra cuốn sách, đọc xong tất cả những gì định
đọc; và sau đó, trong một khoảnh khắc không suy nghĩ, tôi vẩn vơ lật
các trang sách, bắt đầu nghiên cứu các loại bệnh tật nói chung một cách
lơ đãng. Tôi đã quên béng mất căn bệnh đầu tiên mình mắc phải là gì –
một kiểu tai họa khủng khiếp ghê rợn nào đấy, tôi biết thế – và, trước
khi liếc qua độ nửa danh sách “các triệu chứng báo trước” thì tôi đã
hoàn toàn dám chắc thật sự mình đã mắc phải nó rồi.
Tôi ngồi chết lặng một lúc vì kinh hãi; và sau đó, trong nỗi tuyệt
vọng bơ phờ, tôi lại tiếp tục lật giở các trang sách. Tôi giở mục bệnh
thương hàn – đọc các triệu chứng – nhận ra rằng mình bị thương hàn, chắc
là đã bị hàng tháng trời rồi mà không hề hay biết – băn khoăn không
biết mình còn mắc phải bệnh gì nữa; đọc đến bệnh St Vitus’s Dance[1] – y
như rằng, tôi cũng đã mắc bệnh ấy – tôi bắt đầu thấy quan tâm đến
trường hợp của mình và quyết định sẽ xem xét đến cùng, vì thế tôi bèn
lần theo bảng chữ cái – bắt đầu từ [bệnh sốt rét,[2] rồi nhận ra là mình
đang phát ốm vì nó, và rằng giai đoạn cấp tính sẽ bắt đầu trong độ hai
tuần nữa thôi. Đến bệnh Bright[3] thì thật tôi nhẹ cả người khi thấy
mình chỉ mắc ở dạng biến thể, và, theo như những gì được biết, tôi có
thể thọ thêm nhiều năm nữa. Bệnh thổ tả[4] mà tôi bị thì có các biến
chứng ghê gớm; và có vẻ như từ bụng mẹ chui ra tôi đã mắc bệnh bạch
hầu.[5] Tôi nghiên cứu một cách cẩn thận hết hai mươi sáu chữ cái, và
căn bệnh duy nhất tôi có thể kết luận mình không mắc phải là bệnh sản
giật.[6]
Lúc đầu tôi có cảm giác khá bị xúc phạm trước việc này; có vẻ như
đó là một bệnh nhẹ. Can cớ gì mà tôi lại không bị bệnh sản giật? Tại
sao lại có cái kiểu chừa lại gây cảm giác bị đối xử bất công này? Tuy
nhiên, sau một lúc thì cảm giác cay cú cũng dịu đi. Tôi kiểm điểm lại
rằng mình đã mắc phải tất cả các căn bệnh khác đã được biết đến trong
ngành dược lý, tôi bắt đầu trở nên bớt ích kỷ hơn và quyết định mình sẽ
tiếp tục nghiên cứu mà không cần mắc bệnh sản giật cũng được. Bệnh gút ở
dạng ác tính nhất đã xuất hiện và túm lấy tôi mà tôi chẳng hay biết gì,
và bệnh nhiễm trùng[7] thì rõ ràng tôi đã mắc phải từ lúc còn là một
thằng nhóc. Không còn bệnh nào sau bệnh nhiễm trùng [vần Z], vì thế tôi
kết luận là mình không mắc bệnh nào khác nữa.
Tôi ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Tôi tự nhủ, theo quan điểm y học thì rõ
ràng mình hẳn phải là một ca thú vị lắm, tôi mà được mang đến lớp học
thì đúng là của quý! Đám sinh viên sẽ không cần phải “thực tập ở các
bệnh viện” nếu đã có tôi. Tôi đã có nguyên một cái bệnh viện trong người
rồi đây. Tất cả những gì bọn họ cần là đi vòng quanh người tôi mà
nghiên cứu và sau đó thì cứ thế mà nhận bằng tốt nghiệp.
Rồi tôi tự hỏi không biết mình phải tồn tại trên đời này bao lâu. Thế
là tôi thử tự khám cho mình xem sao. Tôi tự bắt mạch. Đầu tiên chả thấy
mạch đâu cả. Sau đó bỗng nhiên mạch bắt đầu đập. Tôi rút đồng hồ ra
đếm. Mạch tôi đập một trăm bốn mươi bảy nhịp một phút. Tôi thử nghe tim.
Chẳng nghe được gì. Nó đã ngừng đập rồi còn đâu. Sắp sửa bị thuyết phục
bởi ý tưởng ấy thì tôi chợt nghĩ trái tim lúc nào cũng ở đó, và chắc
chắn nó vẫn đang đập, nhưng tôi không thể giải thích nổi chuyện này. Tôi
tự gõ vào tất cả mọi chỗ phía trước người mình, từ đoạn tôi gọi là eo
lưng lên đầu, vòng sang cả hai bên nữa, và một chút phía đằng sau. Nhưng
chẳng thấy gì cả. Tôi thử xem xét lưỡi. Tôi đã thè lưỡi ra hết cỡ rồi
nhắm một mắt lại và cố gắng nghiên cứu nó thật kỹ càng bằng con mắt kia.
Chỉ nhìn thấy mỗi chót lưỡi, và điều duy nhất tôi có thể rút ra được
một cách chắc chắn hơn trước đó là mình đã bị bệnh sốt ban đỏ.
Khi đi vào cái phòng đọc ấy tôi là một người khỏe mạnh vui tươi, thế
mà lúc lê khỏi đó lại thành kẻ suy nhược hom hem tàn tạ thế đấy.
Tôi đến gặp bác sĩ riêng của mình. Đó là một người bạn cũ, và mỗi khi
tôi nghĩ mình ốm cậu ta đều bắt mạch, xem lưỡi tôi, chuyện trò với tôi
về thời tiết, tất cả đều miễn phí; vì thế tôi nghĩ tôi sẽ đền đáp lại
bằng cách đến thăm cậu ta bây giờ. “Điều một bác sĩ muốn là thực
nghiệm,” tôi nghĩ. “Cậu ta sẽ có được mình. Cậu ta sẽ được thực nghiệm
với mình còn nhiều hơn cả với ba vạn chín nghìn bệnh nhân xoàng xĩnh tầm
thường kia, mỗi người chỉ có mỗi một hay hai thứ bệnh trong người là
cùng.” Thế là tôi đi thẳng tới chỗ bạn tôi, và cậu ta hỏi:
“Thế nào, cậu bị làm sao?”
Tôi bảo:
“Bạn thân yêu ơi, tớ sẽ không làm cậu mất thời gian bằng cách kể cho
cậu biết tớ bị bệnh gì đâu. Đời ngắn lắm, và cậu có thể sẽ tạch trước
khi tớ nói xong mất. Nhưng tớ sẽ cho cậu biết tớ không bị bệnh gì. Tớ
không bị sản giật. Tớ không thể nói cho cậu biết tại sao, nhưng thực tế
là tớ không mắc bệnh ấy. Tuy nhiên, tất cả các bệnh khác tớ đều mắc cả.
download
nguồn: downloadsach.com
Ebook
Published:
2016-11-18T16:41:00+07:00
Title:Ba Gã Cùng Thuyền (Chưa Kể Con Chó)
Rating:
5 On
22 reviews