GIỚI THIỆU
TIỂU TRUYỆN PHẠM ĐÌNH HỔ
Ông Phạm Đình Hổ 范廷琥 (1768-1839(1)), tự Tùng Niên 松年, hiệu Đông Dã
Tiều 東野樵, người làng Đan Loan huyện Đường An(2) trấn Hải Dương, con quan
Tham tri chính sự Phạm Đình Dư 范廷璵. Vì là con vị đại thần, nên đương
thời thường gọi là ông Chiêu Hổ.
Ông tư chất thông minh, học vấn rộng rãi. Tuổi trẻ thi đậu Sinh đồ,
rồi vào học trường Quốc tử giám. Gặp khi quân Tây Sơn từ phương Nam kéo
ra đất Bắc, nhà tan nước vỡ, từ đấy ông sống cái đời của một kẻ hàn nho.
Bản triều đại định, trong đời Gia Long, ông có đi thi ba khoa hương,
nhưng đều trượt cả. Nhân sĩ Bắc Hà, ai cũng biết tiếng ông là người hay
chữ. Vì thế thấy ông thi trượt, có người bảo ông bị quan trường ghét mà
đánh hỏng, bởi cớ ông nói năng không chịu giữ gìn. Hồi ấy ông có nhà ở
phường Thái Cực, huyện Thọ Xương, trong thành Thăng Long, hằng ngày rèn
dạy học trò, và vui với văn chương học vấn, có soạn ra được nhiều sách
vở, trở nên một nhà đại trước tác. Cũng trong hồi này ông kết bạn thơ
rất thân mật với nữ sĩ Hồ Xuân Hương, thường cùng nhau vịnh ngâm xướng
họa, có những bài quốc âm bén giọng chớt nhả.
Niên hiệu Minh Mệnh năm đầu (1820), có chỉ triệu bọn các ông Phạm
Đình Hổ, Phan Huy Chú vào kinh đợi mệnh cất dùng, nhưng ông đương ốm
không đi được. Mùa đông năm sau, ngự giá ra Bắc, vời ông vào chầu ở điện
Cần Chánh trong thành Thăng Long, hỏi về học vấn thi cử và tình hình
nhân tài đất Bắc, lại khuyên hễ có những sách vở về điển cố tiền triều,
cùng là sách trước thuật ra được đều nên đem tiến trình. Bấy giờ ông
cũng đương ốm yếu lệt bệt, vua truyền cấp cho mỗi tháng 2 phương gạo
lương và 2 quan tiền. Ông lạy tạ trở về rồi có dâng lên bốn bộ sách chép
tay là những bộ này: Lê triều hải điển (2 quyển); Bang giao điển lệ (1
quyển); Sứ quán bạn tiếp thư trát tập (1 quyển); Bạn tiếp thù phụng thi
tập (1 quyển).
Sau khi ông mạnh, được triệu vào kinh. Ban đầu lĩnh chức Hành tẩu
trong viện Hàn lâm, sau thăng lên Biên tu, rồi lại thăng Thừa chỉ. Cuối
cùng, được thăng đến chức Tế tửu ở trường Quốc tử giám. Năm Minh Mệnh
thứ 13 (1832), vì già yếu xin về trí sĩ.
Những sách ông trước soạn ra được, ngoài bộ Tang thương ngẫu lục này
soạn chung với ông Nguyễn Án thì còn có những bộ như: Vũ trung tùy bút
lục, Hy kinh trắc lãi, Càn khôn nhất lãm v.v…
Ông thọ đến ngoài 70 tuổi mới mất.
TIỂU TRUYỆN NGUYỄN ÁN
Ông Nguyễn Án 阮案 (1770-1815), tự Kính Phủ 敬甫, hiệu Ngu Hồ 愚湖, người
làng Du Lâm, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (Bắc Ninh), cháu đích tôn của ông
tiến sĩ Nguyễn Bá (sau đổi là Nguyễn Thưởng). Sinh gặp hồi cuối Lê loạn
lạc, ông chỉ lấy thơ văn sách vở làm vui. Có làm nhà ở tại trên bờ hồ
Gươm, tự hiệu là Kiếm Hồ ngư ẩn. Vì là bạn chơi thân của ông Chiêu Hổ,
nên hai ông cùng nhau soạn chung ra bộ sách này. Bản triều thống nhất,
niên hiệu Gia Long năm thứ 4 (1805), mở khoa thi hương đầu tiên ở xứ
Bắc, ông Án đi thi đỗ Cống sinh. Năm Gia Long thứ 7 (1808), ông được bổ
Tri huyện Tiên Minh (Hải Dương). Làm quan được 7 năm thì mất, thọ 46
tuổi. Văn chương trước thuật, trừ bộ sách Tang thương ngẫu lục soạn với
ông Chiêu Hổ, ông còn có tập thơ Phong lâm minh lãi 風林鳴籟詩集 nữa.
TỰA
I.
Trời đất là một hóa cảnh, mở, đóng riêng chia, người vật là một sinh
cơ, xưa, nay có khác. Duy lẽ đạo của ta như một bầu nguyên khí bàng bạc,
mà thường ký ngụ ở trong khoảng chữ nghĩa văn chương. Ôi, gọi là tang
thương, vì sao mà có tập sách này? Ốc hến trên núi, đó là tang thương
của vận giời; gươm cổ trong ruộng, đó là tang thương của việc người;
kinh xưa không thể lại thấy, chỉ thấy những sách chưa đốt của người
Tần(3), sử đúng không thể lại được, chỉ được bản thảo đã thành của Ban,
Mã(4), đó là tang thương của sách vở. Song có người đem xướng minh ra,
thì lại có sự không tang thương ở trong.
Nước Nam ta từ đời Hồng Lạc đến nay, chính thống thì như Đinh, Lý,
Trần, Lê, tiếm ngụy thì như Mạc, Hồ, Nhạc, Huệ, lại nào sứ quân rạch
đất, đô hộ cầm quyền, những cuộc tang thương, há chẳng đã rất nhiều rồi
sao! Than ôi, đạo ta vốn không có thời kỳ tang thương, nhưng người ta
tất có cái cảm khái tang thương, ấy tập sách tang thương này sở dĩ có là
vì thế đó.
Tùng Niên là quan Quốc tử Tế tửu, hiệu Đông Dã Tiều, do chân trưng
triệu mà ra, ông họ Phạm đó; Kính Phủ là quan huyện doãn Tiên Minh, hiệu
Ngu Hồ, ông họ Nguyễn đó. Hai ông sinh về cuối đời Lê, gặp những cuộc
biến bể dâu, nhưng bể học của các ông vẫn giữ được nguyên trong lặng.
Cho nên phát hiện ra văn, Tùng Niên viết bài ký núi Phật Tích, Kính Phủ
viết bài ký núi Tiên Tích, trong lời ký như có nét vẽ, có thể cùng với
bài ký nguồn Đào hoa của Uyên Minh đời Tấn cùng truyền. Lại còn như kể
chuyện ba vị vua hiền đời Lê như Thánh Tông, Thần Tông, Hiển Tông mà
tường cả đến việc cũ ở trong phủ chúa; kể chuyện các vị danh thần đời
Trần như Chu Văn An, Trương Hán Siêu, Phạm Ngũ Lão, mà đến cả thói ngang
ngạnh của Quận mã Đặng Lân. Chép chuyện đền miếu ở thôn ấp, thì đến cả
việc Thuần Dương tổ sư nhận lầm là Liễu Hạnh công chúa, tượng cổ ở ngôi
chùa đồng, bia đá ở núi Thành Nam, thần thiêng ở quán Trấn Võ, thánh
giang ở đền Linh Lăng. Chép chuyện mả tổ nhà người thì đến cả mả mẹ Đào
Khản, lại đem mả người thiếp của Phục Ba ra để đối chứng, thầy địa ở Tả
Ao, mả phát ở Vân Điềm, tiết phụ nhà họ Đàm, võ thần làng Quế Ổ. Tuy bậc
danh công của lịch đại, hay người tài nữ của một thời, đều vào trong
ngọn bút phẩm bình. Chân nhân đi theo tiên, cùng là nông phu trông thấy
quỷ, cũng không hiềm là quái đản. Thậm đến cột gỗ biện gian, Thái Tây
truyền đạo, cùng những việc lạ ăn người, hóa hổ, cũng đều ghi chép. Từ
Lý, Trần, Lê, Trịnh đến nay, trên dưới mấy trăm năm, có những điều quốc
sử chưa ghi, dã sử chưa chép, hai ông đều thu cả vào trong cõi mắt tang
thương. Nếu hai ông hết thảy đều cho là việc tang thương mà quên đi, thì
những chuyện ấy phỏng được mấy lâu mà mai một đi mất. May mà lấy ngòi
bút tang thương biên chép, nên nó còn là cánh bè chở bến mê, ngọn đèn
soi nhà tối, đặt tên là Tang thương ngẫu lục, ý nghĩa có thể nhận biết
được vậy.
Nay ông Gia Xuyên đã gặp thời mà để ý vào việc kiếm sách, bác Hải
Nông chưa gặp thời mà dùng công vào việc khắc ván, cùng với tôi đều
người trong cuộc tang thương mà ý thú tình cờ gặp nhau. Vì thế nên tôi
quen mình bỉ lậu, viết mấy lời lên đầu giấy, mong rằng không vì tang
thương mà phải bỏ đi thì may lắm.
download
Nguồn: downloadsach.com
Ebook
Published:
2016-12-06T10:07:00+07:00
Title:Tang Thương Ngẫu Lục
Rating:
5 On
22 reviews